Việt Nam đứng thứ ba ASEAN về chỉ số hiệu quả logistics

Chúng tôi ở đây TP. THỦ ĐỨC - TP. HCM

TP. THỦ ĐỨC - TP. HCM

Hotline (028) 3724 5996/997

(028) 3724 5996/997

Giờ làm việc 8h00 AM - 17h00 PM

CÔNG TY TNHH LIÊN DOANH GIAO NHẬN KHO VẬN BÌNH MINH

Vi En

Việt Nam đứng thứ ba ASEAN về chỉ số hiệu quả logistics

    Với những bước tiến đáng kể, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

    Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhận định như vậy tại Hội thảo "Phát triển Logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/7 theo hình thức trực tuyến.

    Chú thích ảnh
    Cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: An Đăng/TTXVN

    Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Hơn nữa, Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở top đầu trong các thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng đạt 14 - 16%.

    Bên cạnh số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương về vai trò của logistics đã có sự chuyển biến rõ rệt.

    Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.

    Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương chia sẻ: Trong 10 năm từ 2010-2020, tổng kim ngạch xuất nhập của Việt Nam khẩu tăng lên gần gấp 3 lần so với trước đây.

    Nếu như từ năm 2012 trở về trước, Việt Nam thường xuyên ở mức nhập siêu nhưng từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã dần cân bằng cán cân thương mại và bắt đầu có xuất siêu.

    Hơn nữa, năm 2010 Việt Nam mới dừng lại ở 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đến năm 2020, con số này đã tăng lên 32 mặt hàng. Thậm chí, không chỉ có các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, năm 2020 mà còn có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD…

    Mặt khác, thương mại cũng đang phát triển rất rộng, đây là kết quả rất rõ nét của tiến trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua. Song hành với hội nhập, là sự đồng hành và vai trò của ngành logistics trong hoạt động phát triển kinh tế; trong đó, có cả hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

    Theo ông Trần Thanh Hải, logistics đóng vai trò nền tảng để hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, thương mại của đất nước. Các hoạt động logistics giúp đảm bảo cung cấp các nguồn nguyên vật liệu một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác cho các hoạt động sản xuất, qua đó, giúp cho hoạt động sản xuất, sau đó là hoạt động thương mại có thể phát triển với tốc độ nhanh như thời gian qua.

    Không những thế, logistics chính là môi trường cầu nối để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô cả nước cũng như từng địa phương. Khi hàng hóa lưu thông trên cả nước, vai trò của logistics hết sức thiết yếu.

    Đặc biệt, ở các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, logistics có một vai trò rất quan trọng, làm động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực, địa phương này.

    Bởi vậy, logistics góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp. Chi phí logistics là một yếu tố hết sức quan trọng trong năng lực cạnh tranh, bên cạnh những yếu tố về quy mô, vốn, thị trường…

    Do đó, việc cắt giảm chi phí logistics luôn luôn là mối quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp. Bởi khi đưa ra hoạt động logistics ở chi phí thấp hơn, hiệu quả tốt hơn và thời gian nhanh hơn, sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp.

    Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho hay: Logistics là một ngành kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, tham gia ngày càng sâu rộng vào mọi mặt của nền kinh tế xã hội.

    Đáng lưu ý, trong thời gian qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam càng thể hiện vai trò quan trọng đóng góp vào công cuộc chống dịch COVID-19 thông qua đảm bảo hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi được thực hiện hiệu quả nhằm lưu thông dòng hàng hóa thông suốt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất nhập khẩu.

    Tuy vậy, tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra rằng ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

    Ngoài ra, quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp...

    Vì vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Cùng đồng hành với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics cũng phải nhanh chóng tự nâng tầm, nâng cao năng lực nội tại, có tinh thần tiên phong tiến ra thị trường bên ngoài, hướng đến cung cấp dịch vụ logistics mang tính chuyên nghiệp, theo các chuẩn mực quốc tế.

    Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tại Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20%GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

    Cùng với đó, Quyết định này cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo chất lượng và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của đất nước.

    Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, bản kế hoạch này có thể xem như kim chỉ nam cho việc phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế nhưng để đạt được mục tiêu cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

    Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, tới đây ngành logistics cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, nhất là trong môi trường làm việc quốc tế.

    Bên cạnh đó, ngành logistics phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ cũng như năng lực nội tại của doanh nghiệp nhằm thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường và mở rộng phạm vi kinh doanh ra các thị trường bên ngoài Việt Nam.